Nguy cơ thiếu máu do nhiễm giun sán

Giun lươn
8 Tháng Mười Hai, 2017
Một số bệnh dễ lây nhiễm qua đường tình dục
8 Tháng Mười Hai, 2017

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường. Thiếu máu gây các hậu quả làm giảm phát triển trí tuệ, vận động, giảm phát triển thể lực, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng, giảm khả năng làm việc và năng suất lao động.

Giun sán là những ký sinh trùng phổ biến ở Việt Nam và số người mang loại ký sinh trùng cũng tương đối nhiều. Nguyên nhân là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thức ăn không được nấu chín.

Giun sán thường gây thiếu máu do sử dụng các chất dinh dưỡng cho con người ăn vào, đồng thời làm rối loạn tiêu hóa và hấp thu. Một số loài giun sán gây thiếu máu thường gặp là:

1. Giun móc/giun mỏ (Ancylostoma duodenale/Necator americanus)

Bệnh giun móc/giun mỏ lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun móc/giun mỏ là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân vùng trồng màu hoặc cây công nghiệp như dâu tằm, mía, cà phê, thuốc lá, ở vùng mỏ than.

Giai đoạn ở ruột: Giun móc ký sinh tại tá tràng và bám vào niêm mạc ruột để hút máu nên tổn thương bệnh học chủ yếu ở tá tràng và hệ tạo máu. Giun móc hút khoảng 0,2 – 0,34 ml máu/ngày. Giun mỏ hút khoảng 0,03 – 0,05 ml máu/ngày [2]. Nên tình trạng thiếu máu xảy ra từ từ trong thời gian dài, số lượng hồng câu giảm dần, nhạt màu và có kích thước nhỏ hơn bình thường. Ngoài tác hại giun hút máu, giun móc/giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu làm vết thương chổ giun hút máu chảy máu kéo dài, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân. Trong trường hợp thiếu máu không bù, bệnh nhân có thể trì trệ tâm thần, suy dinh dưỡng, suy kiệt sức khỏe và suy tim. Xét nghiệm máu thấy hồng cầu giảm có khi chỉ còn 1.000.000/mm3, Hb giảm còn 50% đến 20% [1].

Để chẩn đoán xác định bệnh, xét nghiệm phân tìm trứng giun móc.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa như vệ sinh ngoại cảnh, quản lý và xử lý nguồn phân cần phải dùng biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập ấu trùng xuyên qua da như không đi chân đất… để hạn chế tiếp xúc với đất bằng da trần.

Hình 1 – Giun móc hút máu trong ruột non

Hình 2 – Trứng giun móc

2. Giun tóc (Trichuris trichiura)

Bệnh do giun tóc hay gặp ở người trưởng thành, tăng theo tuổi. Trong trường hợp người bệnh nhiễm ít giun thì hầu như không có biểu hiện lâm sàng, chỉ khi bệnh nhân nhiễm nặng (thường là trên 50 con) thì triệu chứng lâm sàng mới rõ. Giun tóc thường ký sinh ở manh tràng, làm tổn thương niêm mạc ruột gây kích thích ở ruột già, bệnh nhân có triệu chứng giống kiết lỵ, người bệnh đau bụng, đi ngoài nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được một ít phân có thể có lẫn máu, vừa đi ngoài xong bệnh nhân lại cảm giác mót rặn, có bệnh nhân đi ngoài tới 20 – 30 lần trong ngày.

Có trường hợp giun tóc có thể chui vào ruột thừa gây viêm ruột thừa, nếu không được xử trí sớm có thể dẫn đến viêm phúc mạc, gây tử vong. Những bệnh nhân có giun tóc còn hay bị nổi mẩn ngứa, dị ứng, nếu số lượng giun tóc nhiều bệnh nhân còn có biểu hiện thiếu máu, người mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt ù tai, tóc khô dễ rụng, móng tay nhiều khía dễ gãy.

Nguyên nhân thiếu máu do giun tóc hút máu khi cắm đầu vào niêm mạc ruột, số lượng máu mỗi ngày cho mỗi con giun tóc hút ít hơn giun móc/mỏ, mỗi lần hút máu một con giun tóc có thể cắm vào vài vị trí niêm mạc ruột và làm chảy máu tại vị trí hút máu. Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện rối loạn sinh lý: nữ thì bị rối loạn kinh nguyệt, nam thì bị yếu sinh lý hoặc bất lực, trẻ em thiếu protein máu và chậm lớn. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, đau lưng, nhức đầu…

Các triệu chứng của nhiễm giun tóc rất đa dạng, để chẩn đoán chính xác bệnh cần đi khám ở bệnh viện, làm xét nghiệm soi phân tìm trứng giun.

Phòng bệnh dựa trên vệ sinh cá nhân, tránh làm ô nhiễm đất và điều trị hàng loạt định kỳ.

Hình 3 – Giun tóc (trong ổ chảy máu – ruột chứa đầy máu – đang tiêu máu)

3. Sán dải cá (Diphyllobothrium latum)

Trên thế giới khoảng 20 triệu người mắc bệnh sán dải cá. Sán dải cá gặp ở các quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và châu Mỹ.

Triệu chứng rõ ràng khi nhiễm nhiều sán.

Triệu chứng thường đau bụng, chán ăn, sụt cân…

Khi người (hoặc chó, mèo, chồn) ăn cá có ấu trùng plerocecoid; vào ruột non ấu trùng bám vào thành ruột bằng hai rãnh hút, hấp thụ các chất dinh dưỡng qua thẩm thấu đặc biệt sán hấp thụ sinh tố B12 rất nhiều nên bệnh nhân có hội chứng thiếu máu, đây là trạng thái thiếu máu do thiếu hụt B12, kiểu Biermer có hồng cầu to, non.

Những người có hội chứng thiếu máu sống trong vùng dịch lưu hành nên xét nghiệm phân tìm trứng dể chẩn đoán xác định.

Không nên ăn gỏi cá sống. Quản lý phân và phát hiện, điều trị người mắc bệnh.

Hình 4 – Đốt sán và Trứng sán dải cá

Tóm lại, người bị nhiễm giun sán có thể nhiễm một loại hay nhiều loại việc điều trị rất phức tạp. Nếu có dấu hiệu hoặc nghi ngờ bị nhiễm giun sán nên đến bệnh viện để khám, xét nghiệm phân hoặc máu xem bị nhiễm loại giun sán nào để điều trị sớm.

KTV. Phạm Thị Thu Giang

Gọi ngay