Giun lươn (Angiostrongylus cantonensis) là một loại giun nhỏ, giai đoạn trưởng thành ký sinh trong động mạch phổi chuột. Ấu trùng của giun này có thể sống trên người và gây bệnh viêm màng não, đặc biệt là bạch cầu toan tính tăng cao trong dịch não tủy.
A. cantonensis được Chen phát hiện ở chuột tại Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1944. Đến 1945, A. cantonensis ký sinh trên người được phát hiện đầu tiên ở Đài Loan khi Nomura và Lin thu hồi A. cantonensis từ dịch não tủy não của một bé trai 15 tuổi bị viêm màng não cấp. Hầu hết các ca bệnh do A. cantonensis là ở Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương nhưng cũng được phát hiện ở Úc, một số khu vực của châu Phi, vùng Caribbean và Hawai… Các nước có tỷ lệ mắc thấp: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản và Cuba. Hơn 2.800 trường hợp viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do ký sinh trùng này được báo cáo từ 30 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, kể từ năm 1960, số trường hợp viêm màng não – não nghi ngờ do A. cantonensis cũng được ghi nhận và báo cáo. Đặc biệt năm 1976, Trịnh Ngọc Phan giới thiệu hai bệnh án nhi khoa 3 tuổi và 7 tuổi bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do giun lươn với triệu chứng sốt, giật chân, liệt chi dưới, rối loạn phản xạ đầu gối, đau cẳng chân, nước não tủy trong, bạch cầu ái toan trong nước não tủy 60%, bạch cầu ái toan trong máu 14 – 59%. Từ đó đến nay số ca phát hiện ngày một tăng lên, mỗi năm khoảng gần 70 – 100 trường hợp được phát hiện trên phạm vi toàn quốc, số ca được phát hiện quá thấp so với số ca được xét nghiệm dương tính đến nhiều lần (mặc dù có tỷ lệ dương tính giả cao), song điều đó có nghĩa là bệnh nhiễm ký sinh trùng (KST) này mới chỉ được các thầy thuốc lưu tâm trong 10 năm qua cùng với sự tiến bộ của y học chẩn đoán, đặc biệt lĩnh vực huyết thanh chẩn đoán.
Đặc điểm bệnh nhân nhiễm A.cantonensis ở mỗi quốc gia là khác nhau. Ở Tahiti, người lớn nhiễm A.cantonensis nhiều hơn so với trẻ em, và tỷ lệ nhiễm ở nam và nữ là như nhau, trong khi ở Thái Lan, nam giới nhiễm nhiều gần gấp ba lần nữ và phần lớn các trường hợp xảy ra ở những người đang trong độ tuổi 20 – 39. Ngoài ra, tại Đài Loan, 80% ca bệnh là trẻ em < 12 tuổi và cao điểm là vào mùa mưa.
Về hình thái, A.cantonensis trưởng thành có kích thước: con đực 20 – 22mm x 320 – 420µm, con cái 22 – 34mm x 340 – 560µm. Ấu trùng giai đoạn 1 (L1) trung bình 0,27mm x 0,014mm, trong khi ấu trùng giai đoạn 3 (L3) có kích thước trung bình là 0,557mm x 0,025mm.
Giun lươn A. cantonensis
(Nguồn: http://www.cdc.gov)
Chu kỳ phát triển của A.cantonensis:
Giun trưởng thành ký sinh trong phổi chuột, đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng theo phế quản và khí quản lên hầu rồi xuống ruột và theo phân ra ngoài môi trường. Vật chủ trung gian (ốc) ăn phải ấu trùng hoặc tự ấu trùng xâm nhập vào ốc để phát triển. Khi vật chủ chính là chuột ăn phải vật chủ trung gian có ấu trùng, ấu trùng sẽ xuyên qua thành ruột vào máu và mạch bạch huyết để di chuyển lên não, có thể phát triển thành con trưởng thành tại đó và rời não để tới phổi phát triển, đẻ trứng và trứng nở thành ấu trùng để tiếp tục chu kỳ phát triển mới.
Thời gian từ khi nhiễm ấu trùng tới khi giun trưởng thành mất khoảng 40 ngày.
Một số vật chủ như ếch, tôm, cua ăn phải ốc hoặc rau có ấu trùng, các ấu trùng này cư trú trong cơ và tổ chức vật chủ mà không phát triển thành giun trưởng thành (đây gọi là vật chủ chứa), giun non này có khả năng gây nhiễm cho vật chủ chính thích hợp khác. Người nhiễm A.cantonensis do ăn phải ấu trùng trong ốc, rau hoặc vật chủ chứa.
Sơ đồ truyền A.cantonensis cho người
(Nguồn: http://web.stanford.edu)
Biểu hiện bệnh ở người, thời kỳ ủ bệnh có tính chất âm thầm, kéo dài từ 2 – 3 tuần. A.cantonensis là giun gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương, chủ yếu bị tổn thương màng não. Cũng có khi ký sinh trùng xâm nhập mà không có triệu chứng. Nếu có, là các biểu hiện đặc trưng sau: sốt, đau đầu dữ dội, kèm nôn và buồn nôn, cứng gáy, co giật, liệt nhẹ, song thị, hoặc lác mắt là các triệu chứng thường gặp. Giun không chỉ xuất hiện trong dịch não tủy mà có thể có ở trong tiền phòng hay thủy tinh thể của mắt và có thể ở trong động mạch phổi. Đặc biệt bạch cầu ái toan tăng cao trong máu ngoại vi và trong dịch não tủy.
Chẩn đoán xác định bệnh bằng xét nghiệm công thức bạch cầu. Nếu có bạch cầu ái toan tăng cao trong máu ngoại vi hay nước não tuỷ: lấy máu làm chẩn đoán huyết thanh học. Thường dùng phản ứng ELISA với kháng nguyên đặc hiệu của A. cantonensis.
Điều trị: nếu kết quả ELISA dương tính từ 1/400 trở lên, điều trị bằng Albendazole 15mg/kg/ngày x 10 ngày.
Phòng bệnh:
Vì bệnh do A.cantonensis có thể dễ dàng loại bỏ bằng cách rửa sạch, nấu chín các loại thức ăn từ rau thủy sinh, tôm, cua, ếch hoặc ốc, các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe là ưu tiên triển khai cho chiến lược phòng bệnh, tránh những hậu quả và di chứng nghiêm trọng cho cộng đồng.
Chiến lược phòng chống khác có thể triển khai là diệt chuột để làm giảm quần thể các loài chuột.
ThS. Trần Mỹ Duyên
Tài liệu tham khảo: