Điểm tin y tế tuần 51

Bệnh nhiễm giun kim
11 Tháng Mười Hai, 2017
Điểm tin y tế tuần 52
5 Tháng Một, 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định mới về lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/01/2018

Ngày 25/01/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 25/01/2017) quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, từ ngày 01/01/2018, lương tối thiểu vùng tăng thêm từ 180.000 – 230.000 đồng/tháng, cụ thể như sau:

Vùng I là 3.980.000 đồng/tháng, vùng II là 3.530.000 đồng/tháng, vùng III là 3.090.000 đồng/tháng, vùng IV là 2.760.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định 141/2017/NĐ-CP còn điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã:

– Từ vùng III lên vùng II: Huyện Thống nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam;

– Từ vùng II lên vùng I: thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

2. Điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH từ 1/7/2018

Ngày 13/11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 49/2017/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, giao Chính phủ thực hiện các công việc sau đây:

– Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng;

– Đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.

Thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Nghị quyết 49/2017/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV ngày 13/11/2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Chẩn đoán nhanh nhiễm trùng huyết dựa vào chỉ số bạch cầu hạt chưa trưởng thành

Theo dài tiếng nói nhân dân TP. HCM (VOH), ngày 15/12/2017, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng lâm sàng của các chỉ số huyết học nâng cao”. Trước đây, xét nghiệm huyết học liên quan đến bạch cầu gồm 5 thành phần là bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa axit, bạch cầu ưa kiềm, bạch cầu Mono, bạch cầu Lympho. Bạch cầu hạt chưa trưởng thành (IG) là chỉ số thứ sáu được FDA công nhận. Đây là một chỉ số giúp chẩn đoán nhanh và sớm giai đoạn nhiễm trùng huyết.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ số IG có thể giúp chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bệnh có đáp ứng viêm hệ thống. Nhiễm trùng huyết là một tình trạng nghiêm trọng, có tỉ lệ tử vong cao và là nguyên nhân chính khiến người bệnh phải nhập viện săn sóc đặc biệt. Trong vòng 48 giờ đầu tiên, đếm số lượng Bạch cầu hạt chưa trưởng thành ở máu ngoại vi trên người bệnh có đáp ứng viêm hệ thống là một chỉ dấu đáng tin cậy giúp phân biệt sớm tình trạng có nhiễm trùng.

Việc phát hiện tình trạng nhiễm trùng sớm nhờ ứng dụng của Bạch cầu hạt chưa trưởng thành chính là yếu tố quan trọng giúp giảm tỉ lệ tử vong do nhiễm trùng, giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị cho người bệnh.

2. Học sinh nôn ra giun

Theo baó Dân trí, ngày 14/12/2017, vài ngày sau khi uống thuốc sổ giun, một số học sinh ở trường tiểu học Trà Tập (huyện miền núi Nam Trà My) đã nôn ra nhiều con giun. Trong đó cháu H.T.M.H (5 tuổi) khi đang ngồi học thì nôn ra 6 con giun, trong đó có con giun dài nhất khoảng 20cm.

Cô Trà Thị Thu, giáo viên điểm trường Mô Rỗi thuộc trường Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My), cho biết, đồng bào vùng cao ở đây ăn uống, sinh hoạt không vệ sinh và không xổ giun định kỳ nên mới nhiễm nhiều giun. Hiện các em đã sinh hoạt và học tập bình thường trở lại.

3. Xuất hiện 3 trường hợp mắc bệnh lạ ở huyện Ba Tơ và Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, ngày 13/12/2017, trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện 3 bệnh nhân có triệu chứng nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (hay còn gọi là bệnh lạ) ở xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tiếp nhận các bệnh nhân này, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã thăm khám thì xác nhận 3 bệnh nhân có những biểu hiện như: bàn chân, bàn tay xuất hiện các vết sừng thâm tím…

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2011- 2014, địa phương này có 228 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng, trong đó có 26 người đã tử vong (chủ yếu xã Ba Điền, huyện vùng cao Ba Tơ).

Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện ở một số huyện miền núi Quảng Ngãi từng gây hoang mang cho người dân địa phương với tên gọi “bệnh lạ” vì suốt thời gian dài ngành Y tế không xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng chung của các bệnh nhân là da dày sừng, nứt nẻ bàn tay và bàn chân. Chỉ số men gan tăng, có người tăng 4 đến 5 lần, thậm chí có bệnh nhân tăng tới 10 đến 20 lần mức bình thường.

Đoàn y tế của tỉnh đã đi khảo sát thực tế ở địa điểm nơi 3 bệnh nhân nghi mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Đồng thời, các bệnh nhân nghi mắc hội chứng này đang được theo dõi, điều trị phác đồ của Bộ Y tế. Sở Y tế tỉnh đã tuyên truyền cho người dân địa phương nơi nghi xảy mắc hội chứng viêm da dày sừng giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ; chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, không được sử dụng gạo bị mốc làm thức ăn.

4. UNICEF tài trợ cho Bộ Y tế 5 triệu USD

Theo Đài truyền hình Việt Nam, ngày 12/12/2017, UNICEF tài trợ không hoàn lại cho Bộ Y tế 5 triệu USD, góp phần tăng cường năng lực của hệ thống y tế chăm sóc bà mẹ trẻ em, nâng cao chất lượng cho phát triển trẻ em. Dự án sẽ góp phần tăng cường năng lực của hệ thống y tế chăm sóc bà mẹ trẻ em, nhằm mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cho phát triển trẻ em toàn diện.

Dự án này bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, đặc biệt là nhóm trẻ dễ bị tổn thương, góp phần đảm bảo hòa nhập xã hội, chất lượng giống nòi; dự án đồng thời hỗ trợ đổi mới hệ thống y tế và đảm bảo liên kết dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Không thể lý giải những ca bệnh kỳ lạ nhất lịch sử loài người

Theo Theo Listverse, Lịch sử y học từng ghi nhận không ít những căn bệnh bí ẩn mà cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không thể lý giải được.

  1. Khóc ra đá

Năm 2014, anh Mohammad Al Saleh Jaharani đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô con gái 8 tuổi Saadia của mình bắt đầu khóc ra những viên đá nhỏ thay vì nước mắt. Không ai có thể đưa ra chẩn đoán cho Saadia, các bác sĩ cũng không thể tìm thấy bất kì điều gì bất thường với đôi mắt của em.

Cha của Saadia khẳng định trong một cuộc phỏng vấn là con gái mình cũng nhiều lần khóc ra nước mắt bình thường và những viên đá chủ yếu xuất hiện vào cuối buổi chiều và ban đêm. May mắn là em không thấy đau ngay cả khi có đến 100 viên đá nhỏ xuất hiện trong một ngày.

Một bé gái khác sống ở vùng này cũng gặp phải tình trạng tương tự. Nước mắt của cô bé 15 tuổi Saboura Hassan Al Fagiah là những viên đá nhỏ. Mỗi lần như thế bụng bé gái sẽ chướng lên và cô bé sẽ bị mất ý thức trong vài giờ. Khác với Saadia, Saboura đã có những dấu hiệu hồi phục sau khi được điều trị.

  1. Nghe thấy chuyển động của mắt

Nhiều năm trước, Julie Redfern (Lancashire, Anh) đang chơi trò chơi trên máy tính thì đột nhiên nghe thấy tiếng rít nhẹ khá buồn cười. Thời gian đầu, cô không thể tìm ra nơi phát ra tiếng động này. Về sau, Julie mới phát hiện thấy những âm thanh kỳ lạ sẽ lại xuất hiện mỗi khi cô di chuyển mắt từ bên này sang bên kia.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, Julie dần thấy rằng cô cũng có thể nghe thấy máu chảy trong huyết quản. Tiếng nhai thức ăn trở nên ồn ào khiến cô không nghe được những cuộc trò chuyện quanh bàn ăn. Có lẽ điều tồi tệ nhất xảy ra khi tình trạng bệnh trở nên xấu đến mức mắt cô sẽ lắc mạnh trong hốc mắt mỗi khi có chuông điện thoại vang lên. Julie được chẩn đoán bị Hội chứng nứt ống trên (superior canal dehiscence syndrome – SCDS). Đây là một tình trạng bệnh lý rất hiếm gặp khiến các xương ở tai trong bị giảm mật độ, dẫn đến thính giác cực kì nhạy cảm.

  1. Người không tuổi

Cho đến khi Brooke Greenberg qua đời ở tuổi 20, cô gái chưa từng biết nói và vẫn phải ngồi xe đẩy, vẫn chỉ có năng lực trí óc của một đứa trẻ lên 2 và kích thước của một em bé. Bản thân em đã được xem là một em bé “kì diệu” từ khi sinh. Em đã bị nhiều lần loét dạ dày và một lần đột quỵ. Brooke cũng từng bị khối u não khiến em ngủ suốt 2 tuần. Cuối cùng khi thức dậy, khối u đã biến mất.Ở tuổi 16, cô gái vẫn chưa rụng răng sữa, nhưng xương phát triển ngang với một em bé 10 tuổi. Tóc và móng chân tay của em tiếp tục mọc bình thường. Em có thể nhận ra anh chị em ruột và thể hiện sự vui vẻ.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích cho chứng bệnh bí ẩn của Brooke. Richard F. Walker – cựu giảng viên trường Y – Đại học Florida đã dành cả cuộc đời để tìm hiểu nguyên nhân của bí ẩn y học có tên là Hội chứng X này. Ông cũng nghiên cứu một số ca bệnh tương tự bao gồm một bé gái 8 tuổi chỉ nặng có 5kg và một chàng trai 29 tuổi có thân hình của một cậu bé.

  1. Mắt sáng sau 13 năm bị mù

Cô bé Lisa Reid sống ở Auckland, New Zealand bỗng nhiên bị mù vào năm 11 tuổi. Theo các bác sĩ khi đó, lý do có một khối u chèn ép xuống dây thần kinh thị giác. Từ đó người bạn thay thế đôi mắt của Lisa Reid là một chú chó tên là Ami. Vào một đêm của năm 2000, khi cúi xuống hôn tạm biệt người bạn nhỏ Ami, cô đụng đầu vào bàn cà phê. Điều bất ngờ vào buổi sáng hôm sau, cô đã sáng mắt trở lại. Năm đó Lisa 24 tuổi, cô có thể thấy rõ mọi vật như chưa từng bị mù.

  1. Không thể mở miệng

Cậu bé Wyatt ở Ottawa, Canada, sinh vào tháng 6/2013, nhưng kể từ khi sinh ra cậu bé không thể mở quai hàm của mình. Ca bệnh này thực sự làm các bác sĩ bối rối. Cậu bé phải nằm viện suốt 3 tháng đầu tuy nhiên bác sĩ cũng không thể làm gì hơn để giúp đỡ em.

Wyatt suýt chết 6 lần do nghẹt thở và không có khả năng nuốt không khí qua miệng của mình. Nước bọt tích tụ trong miệng và ngăn chặn đường thở của cậu bé. Đến nay Wyatt vẫn phải ăn qua ống thông trực tiếp vào dạ dày. Bố mẹ cậu bé sau đó cũng phát hiện ra con mình còn không thể chớp cả hai mắt cùng một lúc.

  1. Không biết đau

Gabby Gingras (Minnesota, Mỹ) mắc một chứng bệnh hiếm gặp khiến cô bé không có cảm giác đau đớn. Hồi nhỏ Gabby từng nhai ngón tay của chính mình, vỡ quai hàm, hay đập đầu vào các vật sắc nhọn nhưng vẫn không hề sợ.

Các bác sĩ cho biết hiện không có cách để điều trị chứng bệnh này. Hiện nay, dù đã 17 tuổi nhưng bố mẹ và người thân vẫn luôn phải để mắt đến cô bé này, đề phòng việc Gabby tự làm mình bị thương mà không hề hay biết.

  1. Bé gái bị liệt bí ẩn

Khoảng một tháng rưỡi trước Giáng sinh năm 2013, mẹ của cô bé Marysue Grivna (9 tuổi) đưa con gái tới bệnh viện để tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi tiêm phòng cúm, Marysue thức giấc vào buổi sáng và không thể nói được. Bố mẹ cô bé đã vô cùng sốc khi các bác sĩ chẩn đoán con gái họ bị viêm não chất trắng rải rác cấp tính (ADEM).

ADEM bắt đầu khi hệ miễn dịch tấn công myelin, lớp vỏ bọc của các dây thần kinh ở não và tủy sống. Không có myelin, chất trắng trong não và tủy sống trở nên cực kì nhạy cảm. Một khi lớp vỏ này bị phá vỡ, bệnh nhân có thể bị liệt và mù. Các chuyên gia y tế khẳng định rằng nguyên nhân chính xác của ADEM còn chưa rõ và kết quả của các xét nghiệm được tiến hành để xác định nguyên nhân mắc bệnh của cô bé đều không thể đưa ra kết luận.

  1. Không thể điều khiển được tay chân và giọng nói

Sau giấc ngủ trưa vào một ngày năm 2011, Thera Sanchez (New York, Mỹ), thức dậy trong tình trạng không thể điều khiển được tay chân và giọng nói. Trước đó em chưa bao giờ bị như vậy, nhất là những âm thanh kì dị phát ra khiến nạn nhân giống như đang bị hội chứng Tourette.

Kì lạ hơn nữa là 11 nữ sinh khác trong trường của Thera cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự. Một bác sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán tất cả các học sinh này bị rối loạn chuyển dạng. Nói cách khác, ông tin rằng vụ việc là một ca hysteria tập thể. Những bác sĩ khác thì cho rằng stress là yếu tố chính gây ra các triệu chứng khác thường này. Nhiều tuần sau đó, Thera vẫn co giật, nói lắp, và bị những cơn phát âm không kiểm soát. Cho đến nay, chưa có lời giải thích thỏa đáng nào được đưa ra cho vụ việc này.

Ban Biên tập website Viện

Gọi ngay