VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở
Ngày 18/10/201, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT về việc Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở
Theo đó Thông tư này quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư để chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị áp dụng đối với các cơ sở y tế tại tuyến y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) và mọi người dân.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2017
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân
Bộ Y tế có công văn khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước đề nghị chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch mùa đông xuân, chú trọng phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua.
Đặc biệt triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Đối với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…, khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.
2. Dịch sốt xuất huyết đã chững lại
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu thống kê tính đến ngày 22/10/2017, cả nước có 148.261 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, tuần vừa qua ghi nhận 862 ca mắc sốt xuất huyết, tức đã giảm 159 ca so với tuần trước đó, và giảm 2.707 (tức giảm 75,8%) so với tuần cao điểm nhất. Không ghi nhận thêm ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi là 33.990 người (chiếm 97,8%), còn 781 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Trước diễn biến tích cực của dịch, ngành y tế vẫn đang tiếp tục giám sát và tiếp tục triển khai đồng bộ mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên duy trì các thói quen vệ sinh nơi ở, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt, tuyệt đối không chủ quan vì dịch sốt xuất huyết thường kéo dài tới tháng 11 hàng năm.
3. Ra quân đảm bảo công tác y tế phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 25/10/2017, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ buổi ra quân đảm bảo công tác y tế và diễn tập phương án bảo vệ tuần lễ cấp cao APEC 2017 của Tiểu ban An ninh Y tế.
GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban An ninh – Y tế APEC 2017 cho biết mọi công tác chuẩn bị về y tế phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã hoàn tất, Ngành Y tế nói chung và Ngành Y tế Đà Nẵng nói riêng đã sẵn sàng nguồn lực: nhân lực, cơ sở hạ tầng, các kế hoạch triển khai đến nay đã sẵn sàng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế Đà Nẵng đã thành lập 35 tổ y tế trực 24/24 tại các khách sạn, bệnh viện để kịp thời làm nhiệm vụ trong những ngày diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC, trong đó 22 tổ y tế thường trực cấp cứu tại các khách sạn phục vụ APEC, 13 tổ y tế dự phòng tại 5 bệnh viện và 7 trung tâm y tế quân, huyện; huy động trong toàn ngành 23 xe cấp cứu.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện: bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bệnh viện C Đà Nẵng, bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, bệnh viện Vinmec Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Đa khoa Quảng Nam, Bệnh viện Gia đình, các Trung tâm Y tế quận Hải Châu, quận Sơn Trà, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng và Công ty International SOS chi nhánh Đà Nẵng; huy động các giáo sư đầu ngành chuyên khoa hồi sức tích cực, tim mạch, ngoại khoa của các bệnh viện: Hữu Nghị, Việt Đức, Trung ương Huế, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Thống Nhất… sẵn sàng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC.
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Nga: Thuốc ngừa HIV rẻ tiền đang trong tầm tay
Theo RIA Novosti, các chuyên gia Nga ở Trung tâm khoa học lâm sàng dược lý hóa liên bang đã phát triển được các phân tử đặc biệt giúp ngăn ngừa việc lây nhiễm HIV. Các phân tử này phong tỏa virus và virus HIV không còn có thể tương tác với các tế bào khỏe mạnh của cơ thể nữa.
Theo đó, các chuyên gia của trung tâm tạo ra một aptamer ADN đặc biệt từ các phân tử tổng hợp của axit nucleic. Được biết, aptamer là các phân tử nhỏ có khả năng liên kết với 1 phân tử khác. Điều này làm cho aptamer đặc biệt trở nên hấp dẫn với các công ty dược phẩm bởi chúng có khả năng là một loại thuốc mới. Cụ thể hơn, aptamer có thể được phân loại thành: aptamers ADN hoặc RNA. Chế phẩm aptamer ADN đặc biệt này của các nhà khoa học Nga nhận biết glycoprotein HIV trên bề mặt và gắn kết với nó. Sau đó, ADN được tạo ra phong tỏa virus, bảo vệ tế bào của một cơ thể khỏe mạnh khỏi sự xâm nhập của HIV. Do đó, không xảy ra việc nhiễm HIV. Ngoài ra, các phân tử tổng hợp này không hề độc và an toàn cho con người. Trong tương lai, các nhà khoa học Nga có kế hoạch sử dụng thành tựu này của họ để bào chế các phương thuốc đặc biệt giúp ngăn ngừa nhiễm HIV. Anna Varizhuk nhấn mạnh: “Việc bào chế ra nguyên mẫu thuốc không còn xa vời, chúng tôi đã có chất hoạt tính, chỉ còn phải chọn một dạng liều lượng thuận tiện nữa mà thôi”.
Việc bào chế được một loại thuốc như vậy rất có lợi và tiết kiệm. Chi phí sản xuất một loại thuốc dựa trên ADN-aptamer thấp hơn vài lần so với sản xuất các kháng thể dựa trên protein.
2. Ấn Độ tách thành công cặp song sinh dính đầu
Theo Times of India, ca phẫu thuật diễn ra hôm qua 26/10/2017, kéo dài 16 tiếng. Êkíp gồm 20 bác sĩ phẫu thuật và 10 bác sĩ gây mê bắt đầu quá trình tách cặp song sinh vào khoảng 6h sáng. Đến 9h30, họ bắt đầu tách não cùng các mạch máu hai bé, đến 20h45 cùng ngày hai bé được tách rời nhau. Mất thêm nhiều giờ nữa, các bác sĩ mới hoàn tất việc khâu phần đầu cho hai bé.
Bác sĩ Randeep Guleria thuộc bệnh viện All India Institute of Medical Science (AIIMS) cho biết tình hình hai bé hiện ổn và những ngày tiếp theo là rất quan trọng. Song sinh dính liền đầu khá hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 2,5 triệu ca sinh nở mới gặp một trường hợp như vậy. Theo thống kê, khoảng 50% số các cặp song sinh dính nhau kiểu như trên thường chết non và tỉ lệ sống sót chỉ ở mức từ 5-25%.
3. Bác sĩ gắp 30 con giòi trong tai bệnh nhân
Theo Mirror, Bệnh nhân 76 tuổi, sống ở Hồ Nam, Trung Quốc, bị ruồi chui vào tai đẻ trứng và phải nhập viện để điều trị. Sau khi có triệu chứng đau và giòi bò ra ngoài tai, bệnh nhân đã tới Bệnh viện Xiangya số 3 thuộc Đại học Trung Nam để khám. Theo người cháu gái, bà bị viêm tai giữa mạn tính nhiều năm nay nhưng không chữa trị.Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện trong tai của bà có 30 con giòi. Căn bệnh viêm tai giữa ra mủ là nguyên nhân khiến ruồi chui vào tai đẻ trứng.
Khoảng một tuần trước khi nhập viện, một con ruồi đã chui vào tai của cụ bà nhưng không có cách gì để lấy nó ra. 4 ngày sau, bộ phận này bắt đầu có dấu hiệu đau và xuất hiện giòi chui từ bên trong ra ngoài. Các bác sĩ đã gắp toàn bộ giòi trong tai của bệnh nhân ra ngoài. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành phẫu thuật để chữa bệnh viêm tai giữa mạn tính cho bà.
Ban Biên tập website Viện