Bệnh giun móc/giun mỏ (Ancylostomiasis/necatoriasis).

Bệnh giun lươn Strongyloides Stercoralis
11 Tháng Mười Hai, 2017
Bệnh nhiễm giun kim
11 Tháng Mười Hai, 2017

Bệnh giun móc và giun mỏ thuộc họ Ancylostomidae ký sinh ở người. Khi mắc bệnh giun móc và giun mỏ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh sẽ lâm vào tình trạng thiếu máu đáng kể.

Giun móc ký sinh bằng cách ngoạm 2 đầu móc vào niêm mạc ruột để hút máu, gây ra những vết loét, gây chảy máu rỉ rả nên người bị thiếu máu thiếu sắt. Thậm chí, có khi bội nhiễm vi khuẩn xâm nhập gây vết loét thành ruột.


Đầu và miệng giun móc


Giun móc đang hút máu thành ruột


Trứng giun móc và ấu trùng gium móc chui qua da

I. ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ HỌC
– Bệnh giun móc/giun mỏ lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun móc/giun mỏ là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân vùng trồng màu hoặc cây công nghiệp như dâu tằm, mía, cà phê, thuốc lá, ở vùng mỏ than.
– Giun móc hút khoảng 0,2-0,34 ml máu/ngày. Giun mỏ hút khoảng 0,03-0,05 ml máu/ngày. Ngoài tác hại giun hút máu, giun móc/giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân

II. NGUỒN TRUYỀN NHIỄM
– Ổ chứa: là người, đặc biệt là người hay tiếp xúc với đất nhiễm phân.
– Thời gian ủ bệnh: Thời gian từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non đến khi thành giun trưởng thành khoảng 42 – 45 ngày. Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống thì chúng không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non.
– Qua đường da, niêm mạc: ấu trùng giun móc/giun mỏ giai đoạn III xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân…) theo tĩnh mạch về tim, phổi. Tại phổi, ấu trùng thay vỏ 2 lần thành ấu trùng giai đoạn IV và V, ấu trùng giai đoạn V lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun móc/giun mỏ trưởng thành.

III. PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN
– Qua đường ăn uống: thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Không có lây truyền trực tiếp từ người sang người.
– Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun móc/giun mỏ, đặc biệt là những người nông dân vùng trồng màu, cây công nghiệp, dân có tập quán sử dụng phân tươi trong canh tác nông nghiệp.

IV. BIỂU HIỆN BỆNH
Không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là biểu hiện thiếu máu.
– Da xanh, niêm mạc nhợt
– Đau vùng thượng vị tuỳ theo mức độ nhiễm giun. Đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu
– Khi ấu trùng giun móc/giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày. Viêm da thường do giun mỏ gây ra nhiều hơn là giun móc.

Cận lâm sàng
Thiếu máu do giun móc/giun mỏ là thiếu máu nhược sắc.
– Giảm protein toàn phần
– Bạch cầu ái toan tăng 5-12%.
– Soi phân (Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz): có trứng giun móc/giun mỏ trong xét nghiệm phân. Trứng giun móc và trứng giun mỏ tương đối giống nhau: trứng giun móc hình trái xoan, kích thước từ 40 – 60 m, ngoài là lớp vỏ không màu, nhẵn. Trong trứng có nhân, lúc sinh ra trứng đã có phôi bào.

V. ĐIỀU TRỊ
Sử dụng một trong các loại thuốc sau:
Albendazole
Mebendazole
Levammisol

VI. PHÒNG BỆNH
– Giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi
– Làm sạch ngoại cảnh, diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng.
– Hạn chế tiếp xúc với đất tránh ấu trùng nhiễm vào người bằng cách. Đối với người lao động làm việc dưới hầm lò, hay tiếp xúc với phân đất… cần có phương tiện bảo vệ: đi ủng, đeo găng tay cao su.
– Không phóng uế bừa bãi, xử lý phân hợp vệ sinh

Mã số bệnh theo ICD10: ICD-10 B76: Hookworm diseases
Tài liệu tham khảo: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam (www.vncdc.gov.vn)

Bs Đặng Thị Nga
Gọi ngay