Trùng lông Balantidium Coli

Rận mu: Loài côn trùng không cánh ký sinh trên người và hút máu
11 Tháng Mười Hai, 2017
Bệnh do ấu trùng giun họ Anisakis
11 Tháng Mười Hai, 2017

Là một loại đơn bào có lông khắp cơ thể và chúng chuyển động bằng lông, có hai nhân, một nhân lớn và một nhân nhỏ. Có nhiều loài trùng lông, chúng sống hoại sinh thường sống trong phân, nhưng có một loài có khả năng gây bệnh cho con người là Balantidium coli.

  1. Dịch tễ học

Bệnh trên heo có rải rác khắp thế giới, ngoài ra cũng thấy ở khỉ và loài gậm nhấm nhưng ít hơn. Bệnh ở người thường gặp ở những nước kinh tế thấp, điều kiện vệ sinh chưa đầy đủ và đông dân. Là bệnh nhiễm tình cờ, thường gặp ở các nghề nuôi heo, mỗ heo, nghề nông. Ở nước ta tỉ lệ nhiễm Balantidium coli khoảng 0,12% ( theo số liệu điều tra của Viện Vệ sinh dịch tể, năm 1960 có trên 5.829 người nhiễm bệnh).

Mầm bệnh:

  • Cả thể hoạt động và thể kén của Balantidium coli đều là mầm bệnh. Thể hoạt động sống lâu ở trong ký chủ và có thể đi qua bộ máy tiêu hóa mà không bị tiêu diệt.
  • Thể kén trong điều kiện nhiệt độ 18-200C, độ ẩm cao có thể sống được hai tháng, điều kiện khô không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sống được 1-2 tuần, dưới ánh sáng mặt trời sống được 3 giờ.

Nguồn bệnh: Là những bệnh nhân mắc bệnh do Balantidium coli cấp hoặc mạn tính, những người lành mang trùng. Trước đây nhiều tác giả cho rằng: lợn cũng là nguồn bệnh vì trong phân lợn thường thấy trùng lông giống hệt như Balantidium coli, nhưng do ký sinh ở lợn nên gọi là Balantidium suis.

Đường lây: Qua đường tiêu hóa, do thức ăn, nước uống bị nhiễm Balantidiumcoli.

  1. Hình thể

Thể hoạt động:Balantidiumcoli là đơn bào lớn nhất ở người, kích thước 80-200 µm, hình trứng, thân phủ đầy lông tơ, có miệng bào và hậu môn, có 2 nhân: nhân to hình hạt đậu, nhân nhỏ hình tròn. Nguyên sinh chất có nhiều không bào dinh dưỡng và bài tiết.

Hình 1: Hình thể Balantidium coli (trophozoite) [1]

Thể bào nang: Kích thước từ 50-80µm, vách đôi, bên trong có chứa một nhân, nhiều không bào và nhiều thể chiếc quang.

Hình 2: Hình thể bào nang Balantidium coli [1]

  1. Chu kỳ phát triển

Balantidium coli sống ở đại tràng, ký chủ chính là heo, người là ký chủ phụ. Thể hoạt động không sống ở ngoài ký chủ, chỉ tìm thấy trong phân tiêu chảy. Thể bào nang có sức đề kháng cao ở bên ngoài môi trường, bào nang là thể gây bệnh. Balantidium coli dinh dưỡng bằng cách ăn các vi khuẩn, tinh bột, chất cặn bã và ký sinh trùng khác.

  • Sinh sản bằng 2 cách:
  • Vô tính: tách đôi theo chiều ngang
  • Hữu tính: hai cá thể Balantudium coli trophozoites tiếp hợp nhau, nhân pha trộn nhau, phân chia trở lại thành 2 cá thể mới có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn.
  • Khi môi trường không thuận lợi, dạng hoạt động chuyển thành dạng bào nang theo phân ra ngoài, sống rất lâu ở môi trường bên ngoài.
  • Khi heo, người nuốt phải bào nang, vào đến ruột bào nang chuyển thành dạng hoạt động và gây bệnh ở đó.

Trẻ em bệnh thường nặng hơn người lớn, người lớn thường là người lành mang mầm bệnh.

Hình 3: Chu trình phát triển của Balantidium coli[2]

  1. Bệnh học

Bản chất của loại trùng lông Balantidium coli là sống hội sinh, chúng chỉ tấn công vào thành ruột để gây bệnh khi niêm mạc ruột bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó như nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn, thương hàn, lỵ trực khuẩn…

Balantidium coli thường sống trong lòng ruột già nhưng có thể chui vào các tuyến, các lớp dưới niêm mạc, gây các ổ hoại tử và áp xe giống hình cái bình, những ổ này hình tròn hay bất thường, bờ không rõ nét, trong có mủ và các chất hoại tử.

Lâm sàng:

  • Người lành mang bệnh: chỉ biết có ký sinh trùng khi xét nghiệm phân.
  • Dạng bệnh cấp tính: giống lỵ cấp tính, phân có nhầy và máu, không sốt. Thể trạng chung suy sụp nhanh do mất nước, niêm mạc đại tràng bị bóc ra từng mảng người bệnh có thể chết trong vài ngày.
  • Dạng bệnh mãn tính: giống bệnh lỵ amíp mãn tính, có đặc điểm là tiêu chảy xen kẽ với bón, phân có nhiều chất nhầy máu mủ. Người bệnh hay đau bụng, cảm giác buốt mót hậu môn, đau khi đại tiện.
  • Biến chứng: bằng đường tỉnh mạch, mạch lympho, Balantidium coli vào gan gây áp xe gan, từ đấy lên phổi. Có thể có biến chứng như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc.
  1. Chẩn đoán

Dựa vào lâm sàng: dễ nhầm với lỵ do amip.

Cận lâm sàng:

  • Soi trực tràng thấy vết loét đặc trưng do Balantidium coli gây ra: vết loét thường rộng, sâu, đáy thường phủ mủ, mô bị hoại tử.
  • Xét nghiệm phân tìm Balantidium coli, giai đoạn cấp thấy thể hoạt động, thể bào nang (người lành mang mầm bệnh).
  1. Điều trị

Nâng cao thể trạng

Ba loại thuốc được sử dụng nhiều nhất để điều trị Balantidium coli: Tetracycline, Metronidazole, và Iodoquinol .

Chú ý: Tetracyclines không dùng trong thai kỳ và ở trẻ em <8 tuổi. Tetracycline nên được dùng 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn. Iodoquinol nên được dùng sau bữa ăn.

  1. Phòng chống bệnh do Balantidium coli

Chủ yếu là vệ sinh ăn uống, vệ sinh nguồn nước.

Quản lý chặc chẽ nguồn phân.

Chống nguy cơ lây nhiễm không nuôi heo gần nơi sinh hoạt.

Truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh do Balantidium coli gây ra.

Hoàng Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Xuân Mai và cộng sự (2015). “Ký sinh trùng y học”. Nhà xuất bản y học, trang 48- 51.
  2. https://www.cdc.gov/parasites/balantidium/
  3. https://www.cdc.gov/parasites/balantidium/biology.html
  4. https://www.cdc.gov/parasites/balantidium/health_professionals/index.html
Gọi ngay