Bệnh giun, sán là một trong những bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới, tất cả mọi người đều có nguy cơ bị mắc các bệnh giun, sán. Bệnh giun, sán phân bố rộng rãi nhưng không đồng đều phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Giun truyền qua đất: Nhiễm giun truyền qua đất, phổ biến nhất là giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura), giun móc (Ancylostoma duodenale), giun mỏ (Necator americanus). Bệnh phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, phổ biến ở cận sa mạc Sahara, châu Mỹ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hơn 270 triệu trẻ dưới tuổi đi học và hơn 600 triệu trẻ lứa tuổi đi học sống ở khu vực có lan truyền ký sinh trùng cần được điều trị và can thiệp phòng ngừa; Ấu trùng giun đũa chó, mèo (Toxocara canis, Toxocara cati): bệnh được tìm thấy ở nhiều quốc gia. Một số yếu tố có liên quan đến tỷ lệ nhiễm bệnh như người có nuôi chó, trẻ em và thanh thiếu niên <20 tuổi, vị trí địa lý (bệnh phổ biến nhiều ở vùng nhiệt đới, trứng tồn tại lâu trong môi trường đất ẩm ướt);Sán dây và ấu trùng sán lợn (Taenia sp): bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới. Bệnh do Taenia solium phổ biến ở các nước châu mỹ Latinh, Đông Âu, cận sa mạc Sahara, Ấn Độ và châu Á. Taenia asiatica chỉ tìm thấy ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia và Thái Lan. Nhiễm T. saginata xảy ra ở những nơi người dân ăn thịt bò bị nhiễm bệnh không được nấu chín, phổ biến ở Đông Âu, Nga, Đông Phi và Mỹ Latinh; Sán lá gan nhỏ:Clonorchis sinensis được tìm thấy ở châu Á gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Nga và châu Á. Opisthorchiasis viverrini được tìm thấy ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Opisthorchiasis felinea phổ biến hơn, kéo dài từ Đông Âu đến Trung Á và Siberia; Sán lá gan lớn (Fasciola gigantica, F. hepatica): bệnh xảy ra khắp nơi trên thế giới, ước tính ít nhất 2,4 triệu người bị nhiễm ở hơn 70 quốc gia, đặc biệt là nơi có nuôi nhiều trâu, bò, cừu. Fasciola hepatica được tìm thấy trong hơn 50 quốc gia, ở tất cả các châu lục, trừ Nam Cực. Fasciola gigantica ít phổ biến hơn, có mặt trong một số khu vực nhiệt đới. Ngoại trừ khu vực Tây Âu, sán lá gan lớn đã được ghi nhận chủ yếu là ở các nước đang phát triển; Sán lá ruột nhỏ (Haplorchis spp.): bệnh được phát hiện tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Bangladesh, Ai Cập, Sudan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ…; Sán lá ruột lớn (Fasciolopsis buski): bệnh được tìm thấy ở phía nam và đông nam châu Á..
Hình 1. Bản đồ phân bố một số bệnh giun, sán trên thế giới
Điều kiện thời tiết tại nước ta thuận lợi cho sự phát triển của giun, sán, cùng với điều kiện vệ sinh môi trường kém, tập quán sinh hoạt, canh tác đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nhiễm và lan truyền bệnh. Các bệnh do giun, sán cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những bệnh “bị lãng quên”, chưa có sự đầu tư thích đáng, mà mới chỉ có một vài tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động này ở một số vùng có tỷ lệ nhiễm cao, nhưng không mang tính thường xuyên. Khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng gồm có 20 tỉnh, thành phố, là khu vực dân cư và các điều kiện kinh tế xã hội ở khu vực đa dạng, có các cộng đồng dân cư ở thị xã, thị trấn, thành phố, ven đường giao thông, ven sông ở đồng bằng, ven biển, có các thôn, bản ở miền núi,… tập quán sinh hoạt, canh tác có liên quan khác nhau đến các bệnh giun, sán.
Hình 2. Hình ảnh và chu trình phát triển một số loài giun, sán
Giun, sán ký sinh ở người có thể gây nên những tác hại một cách âm thầm, kín đáo, lâu dài. Đôi khi cũng gây nên những biến chứng cấp cứu, trầm trọng có thể đưa đến tử vòng: Gây hội chứng viêm tại nơi xâm nhập hoặc nơi ký sinh; gây tổn thương mô ký chủ nơi ký sinh hoặc trên đường di chuyển của quá trình phát triển; sự rối loạn tuần hoàn được biểu hiện bởi hội chứng thiếu máu và thay đổi thành phần của tế bào máu, các yếu tố tạo máu, các biểu hiện của tim; rối loạn tiêu hóa thường xảy ra như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, chán ăn, đau bụng… gây nên bởi các loài giun, sán ký sinh ở đường ruột (rối loạn thần kinh bởi các độc tố tiết ra trong quá trình sinh – dưỡng của giun, sán; gây nên những tắt nghẽn cơ học do sự kích thích của giun, sán nơi ký sinh; các biến chứng ngoại khoa cũng được kể đến như viêm ruột thừa, tắt ruột, tắt mạch bạch huyết…)
Bệnh giun, sán lan truyền qua môi trường (giun móc/mỏ, giun lươn do con người tiếp xúc với môi trường đất ấu trùng chui qua da xâm nhập vào cơ thể; sán máng do tiếp xúc với môi trường nước ấu trùng chui qua da…), qua đường tiêu hóa do thói quen ăn uống như ăn rau sống rửa chưa kỹ dễ nhiễm giun đũa, giun tóc, ấu trùng sán dải lợn; ăn thực phẩm chưa nấu chính (gỏi cá, thịt lợn tái, thịt bò tái, tiết canh, gan lợn tái, cua nướng…) dễ bị nhiếm sán dải, sán lá; một số giun, sán lan truyền qua động vật chân đốt như giun chỉ hệ bạch huyết…Đặc biệt trong những năm gần đây số trường hợp nhiễm giun đũa chó/mèo ngày càng tăng, nguyên nhân chủ yếu do nuốt phải trứng giun đũa chó/mèo từ môi trường nhiễm vào đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống.
Chẩn đoán lâm sàng bệnh giun, sán thường rất mơ hồ vì các triệu chứng lâm sàng rất giống nhau giữa các loại giun, sán ký sinh gây nên và rất giống triệu chứng lâm sàng của các bệnh nội, ngoại khoa khác. Do đó, biểu hiện lâm sàng và kết hợp yếu tố dịch tễ của một vài loại bệnh giun, sán chỉ là yếu tố để hướng đến tìm nguyên nhân gây bệnh, trừ trường hợp nhiễm giun kim, biểu hiện lâm sàng tương đối điển hình với dấu hiệu ngứa hậu môn ở trẻ em. Chẩn đoán chính xác cho các trường hợp nhiễm là xét nghiệm. Chẩn đoán xét nghiệm cần tuân thủ các điều kiện về thời gian lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm nhiều lần, các kỹ thuật áp dụng phù hợp và nhất là phải hiểu biết rõ về chu trình sinh học của giun, sán trong cơ thể ký chủ để lấy đúng bệnh phẩm và đúng thời điểm. Cần chú ý chu kỳ âm tính của một số loài giun đẻ trứng.
Điều trị giun, sán:
+ Thuốc điều trị giun: gồm có các loại như: thuốc piperazin (diethylen diamin) với tên biệt dược là piperazin citrat, piperal, antepar, piperol …; thuốc levamisol với tên biệt dược là levaris, decaris, solaskil…; thuốc mebendazole với biệt dược: fugacar, vermox, soltric…; thuốc albendazole với: zenben, zentel, alzental…; thuốc pyrantel với: antiminth, combantrin, panatel…; thuốc thiabendazole (mintezol); thuốc diethylcarbamazin với: banocid, DEC, notezin…
+ Thuốc điều trị sán: gồm có các loại như: thuốc niclosamid với tên biệt dược là niclocide, yomesal, tamox…; thuốc praziquantel với: bilcitrid, pratez, cesol…
+ Chỉ định: Lứa tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên.
+ Chống chỉ định: Người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt (>38,5° C); Người đang mắc một số bệnh mạn tính như: suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản; Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc; Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
+ Đối với các vùng chưa triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng hoặc các vùng đã triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng dưới 5 năm: Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 50% trở lên sẽ tiến hành tẩy giun hàng loạt 02 lần/năm; Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 20% đến dưới 50% sẽ tiến hành tẩy giun hàng loạt 01 lần/năm; Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun dưới 20% không cần tẩy giun hàng loạt.
+ Đối với các vùng đã triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng trong 5-6 năm liên tiếp gần đây, đạt được mức độ bao phủ ≥75%: Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 50% trở lên sẽ tiến hành tẩy giun hàng loạt 03 lần/năm; Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 20% đến dưới 50% sẽ tiến hành tẩy giun hàng loạt 02 lần/năm; Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 10% đến dưới 20% sẽ tiến hành tẩy giun hàng loạt 01 lần/năm; Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun từ 1% đến dưới 10% sẽ tiến hành tẩy giun hàng loạt 2 năm 01 lần; Các vùng dịch tễ có tỷ lệ nhiễm giun dưới 1% không cần tẩy giun hàng loạt.
+ Những biểu hiện lâm sàng: Đau bụng, có khi nhầm lẫn với đau dạ dày; Táo bón hoặc tiêu chảy, có thể tiêu chảy kèm máu; Đầy bụng khó tiêu; Buồn nôn, nôn; Chán ăn, tắc ruột ở trẻ nhỏ do lòng ruột bị tắc vì chứa quá nhiều giun; Đau bụng dưới, đau thượng vị, đau quanh rốn; Dị ứng (phát ban, nổi mề đay); Thiếu máu (xanh xao, mệt mỏi); Ảnh hưởng thần kinh (kém tập trung, giảm trí nhớ, lo âu); Trẻ em có một số triệu chứng như: nghiến răng, quấy khóc vào ban đêm, suy dinh dưỡng, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn, học kém.
+ Kết hợp xét nghiệm phân tìm thấy trứng, ấu trùng, con trưởng thành; xét nghiệm huyết thanh dương tính với giun, sán
Nơi điều trị: Tại Phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng (Viện Sốt rét – KST – CT) hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh
Biện pháp phòng bệnh:
+ Cắt nguồn bệnh: Chủ động phát hiện và điều trị cho người bệnh, điều trị hàng loạt ở những vùng có tỷ lệ nhiễm cao nhằm: Làm giảm cường độ nhiễm giun, giảm tỷ lệ nhiễm; Ngăn cản mầm bệnh đào thải ra môi trường; Giảm tỷ lệ bệnh, tỷ lệ tử vong ở trẻ em trước tuổi đi học, nâng cao sức khoẻ cho phụ nữ có thai.
+ Chống sự phát tán mầm bệnh trong môi trường: Quản lý nguồn phân (Mỗi gia đình phải có hố xí hợp vệ sinh chỉ đại tiện vào hố xí, không phóng uế bừa bãi, không dùng phân chưa ủ kỹ bón ruộng, không bón cho cây bằng phân tươi…); Vệ sinh môi trường, quản lý rác, nước thải, diệt ruồi nhặng.
+ Bảo vệ người lành, chống lây nhiễm: Vệ sinh cá nhân; Vệ sinh ăn uống; Phát động phong trào môi trường xanh sạch đẹp; Giáo dục y tế về nguyên nhân lây nhiễm, tác hại và biện pháp phòng chống bệnh đến từng người dân và trẻ em trong nhà trường…để cộng đồng dân cư có kiến thức, thái độ, hành vi tự bảo vệ mình tự giác phòng chống bệnh hiệu quả.
Kết quả điều tra tỷ lệ nhiễm giun, sán ở người và môi trường của Viện sốt rét – KST CT Tp. HCM tại khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng trong những năm gần đây:
Từ các kết quả điều tra tỷ lệ nhiễm giun, sán tại khu vực, Viện đã xây dựng bản đồ phân bố giun, sán khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng. Bản đồ hiện đang chạy trực tiếp trên website của Viện SR – KST – CT TP.HCM. Truy cập theo địa chỉ: www.impehcm.org.vn. Bản đồ thể hiện tỷ lệ nhiễm và phân bố giun, sán của 20 tỉnh/thành, 217 quận/huyện, 2.643 phường/xã/thị trấn thuộc khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng. Bản đồ được thể hiện dưới 2 dạng: bản đồ theo khu vực và bản đồ theo loại giun, sán.
Hình 3. Bản đồ phân bố giun, sán tại khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng
Các mô hình phòng chống giun, sán đã được Viện triển khai tại khu Nam Bộ – Lâm Đồng. Viện Sốt rét – KST – CT TP. HCM đã triển khai thực hiện “Dự án phòng chống giun sán cho trẻ em lứa tuổi học đường khu vực Nam Bộ – Lâm Đồng giai đoạn 2010 – 2013”, nghiên cứu thí điểm các biện pháp phòng chống giun sán tại một số địa phương ở các tỉnh Sóc Trăng, Tây Ninh, Lâm Đồng và TP. HCM kết quả bước đầu cho thấy:
– Đối với biện pháp truyền thông GDSK, đây là một biện pháp quan trọng để nâng cao sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Đầu tư cho truyền thông có khả năng mang lại độ bao phủ rộng, hiệu quả cao với chi phí thấp. Truyền thông có nhiều hình thức và nhiều nhóm đối tượng đích khác nhau. Truyền thông có thể thay đổi được những tập quán cũ và tạo ra những chuẩn mực mới, thúc đẩy người dân có thực hành đúng trong phòng chống bệnh. Hiệu quả của các loại hình truyền thông phụ thuộc vào trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế của cộng đồng, kinh phí đầu tư ban đầu và một số yếu tố khác. Để có hiệu quả lâu dài, hoạt động truyền thông phải phù hợp với từng địa phương về điều kiện kinh tế, trình độ dân trí, phong tục tập quán, thành phần dân tộc,… Loại hình truyền thông phải đa dạng, tác động lên nhiều đối tượng. Đặc biệt phải gây được sự chú ý, quan tâm của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, người dân…
– Biện pháp tẩy giun định kỳ cho đối tượng nguy cơ cao (học sinh lứa tuổi học đường, phụ nữ lứa tuổi sinh sản). Công tác tẩy giun đã làm giảm tỷ lệ nhiễm giun cho các đối tượng nguy cơ cao, hiệu quả giảm tỷ lệ nhiễm có thể đánh giá được ngay sau thời gian tẩy giun, tuy nhiên sau một thời gian (trên 6 tháng) thì tình hình nhiễm lại trở lại như trước. Trước tình hình đó, Viện Sốt rét – KST – CT TP. HCM đã nghiên cứu thí điểm ở một số cộng đồng (trẻ em lứa tuổi học đường) áp dụng biện pháp tẩy giun dựa vào cộng đồng. Theo đó, ở các cộng đồng, nhân viên y tế xã, y tế trường học tự lập kế hoạch và tổ chức tẩy giun cho trẻ em. Các đơn vị y tế tuyến trên chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá kết quả và cung cấp thuốc tẩy giun. Biện pháp này tỏ ra có hiệu quả cả về mặt chuyên môn (giảm tỷ lệ nhiễm), cả về mặt duy trì bền vững (định kỳ 6 tháng, cộng đồng tự triển khai thực hiện) và tác động đến tinh thần, trách nhiệm, hành vi ứng xử của cộng đồng từ trẻ em đến cán bộ y tế xã, giáo viên và y tế trường học.
– Biện pháp vệ sinh môi trường, kết quả triển khai biện pháp này phụ thuộc nhiều vào yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức hành chính, chuyên môn nghiệp vụ… Song trên nguyên tắc cần giải quyết những vấn đề chính sau đây: quản lý và xử lý tốt nguồn phân (xây dựng đủ hố xí và bảo đảm vệ sinh, vận động loại bỏ tập quán thiếu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón ruộng, hoa màu), bảo đảm nguồn nước ăn, nước rửa và vệ sinh môi trường. Từ năm 2010 – 2013, Viện Sốt rét – KST – CT Tp. HCM phối hợp với ngành y tế địa phương đã thực hiện triển khai thí điểm tại một số tỉnh/thành các buổi mít tinh ở trường học và cộng đồng với chủ đề “Tuần lễ vệ sinh môi trường phòng chống giun, sán”, “Trường em sạch đẹp” với sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, ngành giáo dục, đài phát thanh, truyền hình địa phương, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…
Đến nay, mặc dù chưa được đầu tư đáp ứng nhu cầu, các hoạt động chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, rộng khắp nhưng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật vẫn được duy trì thường xuyên tại tuyến trung ương (Viện Sốt rét – KST – CT TP.HCM có khoa ký sinh trùng phụ trách công tác nghiên cứu, chỉ đạo và tổ chức phòng chống giun, sán cho toàn khu vực). Ở tuyến tỉnh, công tác phòng chống giun, sán được lồng ghép vào một số khoa phòng như: Sốt rét, Kiểm soát dịch bệnh…. Ở tuyến huyện, xã hiện tại hầu như không có cán bộ chuyên trách phòng chống giun, sán.
Nhân lực phòng chống giun, sán còn hạn chế cả về số lượng, trình độ chuyên môn, chỉ có một số ít cán bộ có trình độ chuyên ngành ký sinh trùng ở tuyến Trung ương, ở các địa phương hầu như chưa có hoặc chưa được đào tạo chuyên ngành đầy đủ. Trang thiết bị ở các tuyến hầu như chưa được đầu tư, chỉ một số thiết bị được đầu tư thông qua các dự án hỗ trợ quốc tế như: WHO, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Hoạt động giám sát và phòng chống bệnh giun, sán ở khu vực nhìn chung chưa được tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có hệ thống, chỉ một số hoạt động điều tra, can thiệp rời rạc từ các nguồn đầu tư ít ỏi của nhà nước và của các tổ chức quốc tế.
Tóm lại: Bệnh giun sán là bệnh lưu hành tiền tàng ở nước ta từ ngàn đời xưa, cũng như các bệnh ký sinh trùng khác, chúng chung sống với con người, mặc dù bình thường có bệnh không gây tử vong, không gây biểu hiện ác tính hay triệu chứng rầm rộ, nhưng bệnh gây tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, gây còi cọc, biến dạng tầm vóc, làm chậm phát triển trí tuệ, thiếu máu làm cho da xanh, niêm mạc nhợt…, từ đó làm trầm trọng các bệnh khác trong cơ thể con người. Một số sự di chuyển hay phát triển bất thường của các giun sán có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người như giun chui ống mật, ấu trùng di chuyển lên não, mắt, gan, thận, tim, gây tắc nghẽn hệ thống bạch mạch làm phù voi….
Việc phòng chống bệnh không khó, nhưng chúng ta cần phói hợp của nhiều ban ngành, đoàn thể và sự chung tay của cộng đồng để thực hiện các biện pháp như truyền thông gdsk, tẩy giun theo định kỳ, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và thay đổi hành vi, thói quen không tốt để tránh nhiễm bệnh.
PGS. TS. Lê Thành Đồng, TS. Đoàn Bình Minh, ThS. Đỗ Thị Phượng Linh, ThS. Phùng Thị Thanh Thúy, BS. Phạm Thiên Lý