VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Tăng cường thực hiện kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện
Ngày 29/11/2017, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh ban hành Công văn số 1745/KCB-ĐD về việc tăng cường thực hiện kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.
Để ngăn ngừa và kiểm soát việc lây nhiễm cũng như tác động của vi khuẩn đa kháng thuốc trên người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt những nội dung sau đây:
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Bộ Y tế chính thức triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản
Theo báo Lao động, ngày 7.12, tại Yên Bái, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Thông tư 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) cho tuyến y tế cơ sở.
Gói DVYTCB bao gồm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”.
Trong đó, gói DVYTCB do quỹ BHYT chi trả gồm các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được cung ứng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y; Gói DVYTCB phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe gồm các dịch vụ thiết yếu được cung ứng tại trung tâm y tế quận, huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Gói DVYTCB cho các dịch vụ khám chữa bệnh sẽ do Quỹ BHYT chi trả, ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho các dịch vụ dự phòng và nâng cao sức khỏe cơ bản thông qua các chương trình y tế quốc gia, một số dịch vụ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp y tế, hoặc từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Mọi người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã. Việc xây dựng gói DVYTCB sẽ có tác dụng làm tăng cường trách nhiệm của các bên trong đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.
2. Hướng đến chấm dứt bệnh lao toàn cầu vào năm 2030
Theo báo Lao động Thủ đô, ngày 8/12/2017, Bệnh viện Phổi trung ương đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin mới nhất về bệnh lao, đồng thời đẩy mạnh cam kết đa ngành thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống Lao & Hưởng ứng Tuyên bố Matxcova về chấm dứt bệnh Lao toàn cầu năm 2030.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với các phiên toàn thể và các phiên thảo luận chuyên đề nhằm đi đến một tuyên bố chung về cam kết chính trị hành động chấm dứt bệnh lao lao vào năm 2030.
Cũng tại Hội thảo này, nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lao của Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quốc Cường chia sẻ và được các chuyên gia ghi nhậnvà đánh giá cao. Như kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới theo khuyến cáo của WHO trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam. Đặc biệt, chương trình thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.
Được biết, năm 2014, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào 2030 của WHO. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 – 2020. Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây.
3. Cả nước có 50.000 người nhiễm HIV chưa được quản lý
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, tuy nhiên, chỉ có gần 200.000 người nhiễm HIV được quản lý. Như vậy, vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng bệnh của mình. Họ sẽ có thể vô hình là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay hầu hết các cơ sở y tế đều đã có thể xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm lây nhiễm HIV. Ngoài các cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng thông qua các cán bộ y tế thực hiện lưu động hoặc do các nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng. Chỉ khi các xét nghiệm sàng lọc này nghi ngờ mới cần xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV tại các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép.
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Unicef: Não bộ trẻ em bị tổn thương vì ô nhiễm
Theo BBC, 17 triệu trẻ em dưới 1 tuổi đang phải hít thở bầu không khí độc hại, khiến não bộ của trẻ có nguy cơ bị tổn thương – Ủy ban Trẻ em Liên Hợp Quốc (Unicef) cho hay. Trong đó, những trẻ em ở Nam Á là bị ảnh hưởng tồi tệ nhất, với hơn 12 triệu em bé sống ở các khu vực có mức độ ô nhiễm cao gấp 6 lần so với mức độ an toàn. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, ước tính có khoảng 4 triệu trẻ em khác có nguy cơ bị tổn thương não do ô nhiễm.
Theo Unicef, những hạt ô nhiễm không khí có thể làm tổn thương các mô não bộ và gây suy giảm sự phát triển nhận thức ở con trẻ. Trong báo cáo của mình, Unicef ghi rõ có sự liên quan giữa ô nhiễm và khả năng IQ ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, sự suy giảm điểm số, cấp bậc xếp hạng trung bình đối với học sinh trong trường học cũng như các vấn đề liên quan tới hành vi thần kinh. Các hậu quả này còn tác động xấu suốt cả cuộc đời con người. Unicef kêu gọi sử dụng rộng rãi khẩu trang và hệ thống lọc không khi và han chế tối đa cho trẻ con ra ngoài đường vào những thời điểm cao điểm ô nhiễm.
Ban Biên tập website Viện