VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Công bố gói dịch vụ y tế cơ bản áp dụng từ ngày 01/12/2017
Ngày 18/10/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản (GDVYTCB) cho tuyến cơ sở. Theo đó, công bố 02 GDVYTCB gồm: “GDVYTCB do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “GDVYTCB phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”. Cụ thể:
– “GDVYTCB do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” được áp dụng tại trạm y tế cấp xã và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế và phòng khám quân dân y gồm 76 kỹ thuật khám, chữa bệnh và 241 loại thuốc sử dụng tại tuyến xã;
– “GDVYTCB phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe” được áp dụng tại trung tâm y tế cấp huyện và các trạm y tế cấp xã gồm các dịch vụ thiết yếu sau:
+ Các dịch vụ tư vấn, truyền thông, giáo dục, nâng cao sức khỏe như: ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện…;
+ Các dịch vụ giám sát và phòng, chống các bệnh, dịch truyền nhiễm;
+ Các dịch vụ về y tế học đường…
Thông tư 39/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
2. Đổi mới thời hạn nâng lương cho người làm công tác cơ yếu
Nội dung nổi bật này được đề cập tại Thông tư 07/2017/TT-BNV (có hiệu lực từ ngày 01/12/2017) về chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Theo đó, điều kiện thời gian nâng bậc lương cấp hàm cơ yếu được điều chỉnh so với quy định hiện hành như sau:
– Từ bậc 8 hệ số lương (HSL) 8.00 lên bậc 9 HSL 8.60 là 4 năm (quy định hiện hành không xác định thời gian);
– Từ bậc 9 HSL 8.60 lên bậc 10 HSL 9.20 là 4 năm (quy định hiện hành không có HSL bậc 10).
Thời hạn nâng bậc lương các hàm cấp từ bậc 1 đến bậc 7 tiếp tục giữ nguyên như quy định hiện hành.
Thông tư 07/2017/TT-BNV thay thế Thông tư liên tịch 24/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 18/02/2005.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Bệnh nhân tử vong do mắc sốt rét ở Bình Phước
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, ngày 30/11/2017, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 978 ca mắc sốt rét và một ca tử vong. Dịch sốt rét tập trung ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Trong đó, huyện Bù Gia Mập là địa phương có số ca mắc cao nhất với 500 ca, nhiều nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa như Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Đắk Nhau. Hiện, ngành y tế Bình Phước triển khai phun thuốc diệt muỗi tại các điểm có nguy cơ bùng phát sốt rét và phác đồ điều trị cho các đối tượng nguy cơ mắc bệnh tại hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập. Thời tiết mưa nhiều, kéo dài nên dịch sốt rét đang bùng phát nhanh tại tỉnh Bình Phước và có nguy cơ lan rộng thành dịch. Chính vì thế, tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Y tế thành lập đoàn công tác giám sát diễn biến sốt rét để tránh dịch bệnh lan rộng.
Trước đó, hai bệnh viện Nhi đồng 2 và Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bốn trẻ mắc sốt rét đến từ Bình Phước, Đắk Nông, trong tình trạng sốt kéo dài, tiêu chảy, thiếu máu, da xanh xao, lạnh run. Qua xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện các bé mắc sốt rét trong khi trước đó tại địa phương bác sĩ chẩn đoán bé sốt siêu vi.
2. Bệnh SXH vẫn ghi nhận nhiều ca mắc ở miền Nam, Trung
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tổng số hơn 163.600 trường hợp mắc bệnh (trong đó có hơn 138.300 trường hợp nhập viện), 30 trường hợp tử vong. Riêng trong 11 này, toàn quốc ghi nhận 15.207 trường hợp mắc mới bệnh. Các chuyên gia y tế cảnh báo, khu vực miền Nam, miền Trung vẫn là nơi cao điểm về sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 34%, số trường hợp tử vong tăng 5 trường hợp. Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang bước vào mùa lạnh nên dịch bệnh có thể có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở khu vực miền Nam, miền Trung vẫn đang trong thời điểm mà những năm trước vẫn là tháng cao điểm về sốt xuất huyết.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là phòng chống dịch. Người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc…, nâng cao ý thức thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải…
3. Mỗi năm Việt Nam vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS cho đến nay, thế giới đang có hơn 36,7 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và khoảng 35 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch. Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2017 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh những thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, hoạt động phòng chống HIV ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, Việt Nam vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng cho thấy việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ là sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống, nhất là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh trong khi độ bao phủ các dịch vụ can thiệp, nhất là các dịch vụ dự phòng vẫn còn thấp và chưa đủ mạnh.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang hướng tới.
4. Việt Nam đứng thứ 123/132 nước về ô nhiễm không khí
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 27/11/2017, Kết quả công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Đại học Yale và Columbia của Mỹ) cho thấy: Việt Nam đứng thứ 123/132 nước về chất lượng không khí.
Tại cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) chủ đề “Ô nhiễm không khí và sức khỏe”, một vấn đề đang được người dân quan tâm đưa ra là thực trạng ô nhiễm không khí và tác động tới môi trường cũng như sức khỏe người dân. Tại cuộc họp, những con số báo động đã được đưa ra về tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân.
Kết quả công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Đại học Yale và Columbia của Mỹ) cho thấy: Việt Nam đứng thứ 123/132 nước về chất lượng không khí.
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. WHO cảnh báo 11% thuốc chữa bệnh tại các nước đang phát triển là thuốc giả
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi mỗi năm. Các chuyên gia đã duyệt xét 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh và thấy rằng trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, vấn đề trên ảnh hưởng đến hầu hết các nước nghèo. Có khoảng từ 72.000 đến 169.000 trẻ em chết vì sưng phổi mỗi năm sau khi được điều trị bằng thuốc giả.
Năm 2013, WHO đã xây dựng một hệ thống giám sát tình nguyện toàn cầu cho thuốc giả và kém chất lượng. Sau đó họ nhận được báo cáo về khoảng 1.500 loại thuốc bao gồm thuốc chữa bệnh tim, tiểu đường, vô sinh, tâm lý và ung thư… có vấn đề về chất lượng. Bên cạnh đó, WHO cũng nhận được báo cáo về vaccine giả được dùng cho bệnh sốt vàng da và viêm màng não. Cuối năm 2013, tại Pakistan có tổng cộng 60 người đã tử vong thuốc ho giả.
WHO cho biết những trường hợp thuốc giả mà tổ chức này biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì nó đã bị che giấu quá tinh vi. Theo tổ chức này, các nước đang dùng khoảng 30 tỷ USD mỗi năm để mua thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Ban Biên tập website Viện