Bệnh giun chỉ bạch huyết

Kỹ thuật lấy bệnh phẩm và xét nghiệm soi tươi nấm da
8 Tháng Mười Hai, 2017
Bệnh giun đũa chó mèo (Toxocariasis)
8 Tháng Mười Hai, 2017

I. Đại cương

Bệnh giun chỉ bạch huyết hay còn được gọi là bệnh phù chân voi, là một bệnh nhiệt đới bị lãng quên (Neglected tropical disease – NTD), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.

Ở nước ta, bệnh giun chỉ bạch huyết thường gặp ở một số vùng. Sự lưu hành bệnh giun chỉ phụ thuộc vào mật độ ấu trùng giun chỉ trong máu người bệnh. Triệu chứng lâm sàng thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu của bệnh.

Bệnh giun chỉ bạch huyết là một căn bệnh gây ra đau đớn và biến dạng nặng. Trong khi nhiễm bệnh thường xuất hiện lúc nhỏ, nhưng các biểu hiện có thể nhìn thấy rõ sau này trong cuộc đời. Bệnh gây ra tình trạng khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Bệnh giun chỉ bạch huyết thực tế khó chẩn đoán trên lâm sàng ở giai đoạn đầu. Trường hợp bệnh nhân sống trong vùng bệnh lưu hành, có triệu chứng phù voi, tiểu ra dưỡng trấp thì chẩn đoán dễ dàng hơn. Đối với người sống ngoài vùng lưu hành bệnh, việc chẩn đoán lâm sàng gặp nhiều hạn chế. Vì vậy phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm phát hiện ấu trùng giun chỉ.

Lịch sử phát hiện các loài giun chỉ bạch huyết: Wuchereria bancrofti (Cobbold, 1877), Brugia malayi (Brug, 1927), Brugia timori (Partono, Atmosoedjomo, Demijati và Cross, 1977)[1].

Giun chỉ bạch huyết là một bệnh nhiễm ký sinh trùng Wuchereria bancrofti, Brugia malayi hoặc Brugia timori. Ở Việt Nam chỉ gặp 2 loại là Wuchereria bancrofti và Brugia malayi, trong đó Brugia malayi chiếm đa số (trên 90%)[1].

Loài ký sinh trùng này được truyền từ người này sang người khác qua vector trung gian là muỗi, chúng nhiễm phải ấu trùng giun chỉ khi đốt người, ký sinh trùng khi đó sẽ xâm nhập vào trong da và từ đó chúng đi vào cơ thể con người, tiếp đó ấu trùng di chuyển vào hệ bạch huyết, ở đó chúng phát triển thành giun trưởng thành trong hệ thống bạch huyết của người, người là ký chủ vĩnh viễn.

II. Đặc điểm sinh học

1. Giun trưởng thành

Giun chỉ bạch huyết khi trưởng thành đều có hình dạng rất giống nhau, trông như sợi chỉ trắng sữa. Con cái kích thước 25 – 100 mm, con đực kích thước: 13 – 40 mm. Giun thường cuộn lại với nhau như đám chỉ rối trong hệ bạch huyết[1].

Miệng giun chỉ cấu tạo đơn giản, bao miệng không rõ ràng, thực quản có hình ống. Giun chỉ có các cơ quan tiêu hóa, tuần hoàn, sinh dục, thần kinh. Giun đực có hai gai giao phối, giun cái có tử cung chiếm phần lớn thân, trong có nhiều bọc chứa ấu trùng. Giun cái đẻ ra ấu trùng gọi là phôi giun chỉ[1].

Giun trưởng thành W.bancrofti. Con đực ở bên trái; con cái ở bên phải (nguồn CDC)

2. Ấu trùng giun chỉ

Ấu trùng của giun chỉ Wuchereria bancrofti có kích thước 261 – 305 x 4 – 10mm, có lớp bao bên ngoài, các nhân được trải dài trong thân của phôi nhưng phần đuôi không có nhân. Phôi giun chỉ xuất hiện trong máu ký chủ sau khi nhiễm khoảng vài tháng. Thời gian trung bình để phát hiện phôi giun chỉ Wuchereria bancrofti trong máu là khoảng một năm sau khi nhiễm[1].

Ấu trùng Brugia malayi có kích thước180 – 230 mm, có bao bên ngoài, các nhân bên trong trải dài khắp thân và đoạn cuối thân có hai nhân[1].

Ấu trùng W.bancrofti  Ấu trùng B.malayi (nguồn CDC; DPDx)

Sự xuất hiện của ấu trùng giun chỉ ở máu ngoại vi vào ban đêm đã được ghi nhận từ lâu và có nhiều giả thuyết giải thích về hiện tượng này như sau[2]:

  • Giả thuyết sinh tồn cho rằng muốn bảo toàn nòi giống, ấu trùng giun chỉ ở người mang mầm bệnh phải xâm nhập vào được cơ thể muỗi là trung gian truyền bệnh. Muỗi là vật chủ phụ của giun chỉ, muốn hoàn thành vòng đời sinh học, giun chỉ nhất thiết cần phải có giai đoạn phát triển trong cơ thể muỗi. Các loài muỗi truyền bệnh giun chỉ như Culex, Anopheles, Mansonia, chúng thường hoạt động hút máu về ban đêm. Có những nơi như tại một số hòn đảo ở Thái Bình Dương là Samoa, New Guinea…, muỗi truyền bệnh giun chỉ là loài Aedes scutellaris có hoạt động hút máu vào ban ngày nên ở những nơi này ấu trùng giun chỉ xuất hiện trong máu ngoại vi cả ban ngày lẫn ban đêm.
  • Giả thuyết về sự giãn mao mạch khi ngủ cho rằng ấu trùng giun chỉ tập trung ở mao mạch máu nội tạng như tim, gan, phổi, thận… Khi ngủ, mao mạch giãn nở nên ấu trùng giun chỉ có thể xuất hiện ở máu ngoại vi. Nếu thay đổi chế độ sinh hoạt như làm việc vào ban đêm, ngủ vào ban ngày thì chu kỳ xuất hiện của ấu trùng giun chỉ ban đêm có thể chuyển sang ban ngày. Nếu dùng các loại thuốc gây giãn mạch máu vào ban ngày thì có thể thấy ấu trùng giun chỉ xuất hiện ở máu ngoại vi sau khi dùng thuốc.

III. Chu kỳ phát triển

Chu kỳ phát triển của giun chỉ bạch huyết trải qua hai ký chủ: người và muỗi. Người là ký chủ vĩnh viễn, muỗi là ký chủ trung gian chứa giai đoạn ấu trùng.

Chu kỳ phát triển của giun chỉ bạch huyết B.malayi và W.bancrofti (nguồn CDC)

Muỗi nhiễm ấu trùng giai đoạn ba được truyền vào cơ thể người thông qua vết đốt(1). Ấu trùng phát triển thành con trưởng thành và thường nằm trong hệ bạch huyết(2). Con trưởng thành sinh sản hữu tính, chúng đẻ ra phôi, phôi phát triển thành ấu trùng, ấu trùng giun chỉ bạch huyết di chuyển trong hệ bạch huyết và có chu kỳ đêm(3). Muỗi nhiễm ấu trùng giun chỉ khi hút máu người nhiễm bệnh(4). Ấu trùng vào cơ thể muỗi, thoát vỏ xuyên qua thành dạ dày, đến cơ ngực muỗi(5). Chuyển thành ấu trùng giai đoạn một(6). Sau hai lần lột xác phát triển thành ấu trùng giai đoạn ba(7). Ấu trùng giai đoạn ba di chuyển đến vòi muỗi(8). Và có thể lây nhiễm sang người khác khi muỗi hút máu(1)[3],[5].

1. Chu trình phát triển trong cơ thể người

Người bị muỗi đốt và ấu trùng giun chỉ được truyền qua người. Ấu trùng di chuyển từ mạch máu vào hệ bạch huyết và trưởng thành sau khoảng một năm.

Giun trưởng thành sinh sản hữu tính,giun cái đẻ ra ấu trùng, ấu trùng sống trong mạch máu nội tạng và thường xuất hiện ở máu ngoại vi về ban đêm (từ 21 giờ đêm đến 2 giờ sáng).Khi muỗi hút máu người, ấu trùng chủ động nhanh chóng xâm nhập vào vòi muỗi để vào dạ dày. Nếu phôi giun chỉ không được truyền qua muỗi, phôi sẽ chết sau khoảng bảy tuần. Khi phôi giun chỉ không ra ngoại biên thì phôi có mặt trong máu của các nội tạng nhất là phổi.

2. Chu kỳ phát triển trong cơ thể muỗi[1]

Ở dạ dày muỗi, sau 2 – 6 giờ ấu trùng xuyên qua dạ dày và để lớp áo lại. Sau 15 giờ ấu trùng di chuyển tới vùng cơ ngực muỗi, chuyển thành ấu trùng giai đoạn một. Sau 14 ngày ấu trùng lại thay vỏ hai lần thành ấu trùng giai đoạn ba. Ký sinh ở vùng tuyến nước bọt chờ cơ hội xâm nhập vào người.

Khi muỗi hút máu người, muỗi truyền ấu trùng giun chỉ vào máu ngoại vi, từ đó ấu trùng theo máu ký sinh ở hệ bạch huyết để phát triển thành ấu trùng giai đoạn bốn và cuối cùng thành con trưởng thànhở hệ bạch huyết. Thời gian từ khi nhiễm đến khi xuất hiện ấu trùng trong máu khoảng 3 – 7 tháng. Thời gian phát triển từ ấu trùng đến con trưởng thành trung bình một năm.

Ấu trùng có thể tồn tại ở hệ tuần hoàn máu tới 10 tuần rồi sẽ chết nếu không được muỗi hút.

Giun trưởng thành có tuổi thọ khoảng 10 năm.

IV. Dịch tễ học

Nguồn bệnh là những người có giun chỉ bạch huyết, mầm bệnh là ấu trùng đã phát triển trong cơ thể muỗi và đường nhiễm là do muỗi truyền.

1. Phân bố bệnh giun chỉ trên thế giới

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới năm 2013, có gần 1,4 tỷ người ở 73 quốc gia trên toàn cầu có nguy cơ nhiễm giun chỉ bạch huyết và có hơn 120 triệu người đang nhiễm bệnh trong đó có 40 triệu người bị biến dạng và mất khả năng do bệnh gây ra. Nguyên nhân là do giun chỉ bạch huyết làm cho hệ thống bạch huyết thay đổi và mở rộng bất thường gây ra đau đớn và tàn tật nghiêm trọng[2],[6].

Sơ đồ phân bố địa lý giun chỉ bạch huyết trên thế giới

(Các khu vực màu đỏ cho thấy sự phân bố địa lý của bệnh giun chỉ bạch huyết)

(nguồn www.cdc.gov/dpdx/lymphaticFilariasis/dx.html)

Bệnh giun chỉ bạch huyết hiện nay đã biến mất khỏi Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc, và một số nước đã khống chế được bệnh này như Trung Quốc.

W.bancrofti phổ biến khắp thế giới trong các cùng nhiệt đới và cận nhiệt đới: châu Phi, châu Á, Philippines, Indenesia và các đảo ở phía nam Thái Bình Dương, Ấn Độ, Costa Rica và phía bắc của nam Mỹ[6].

2. Tình hình nhiễm giun chỉ bạch huyết ở Việt Nam[1],[3],[6]

Từ năm 1976 đến năm 2000 các cuộc điều tra tỷ lệ mắc giun chỉ bạch huyết đã được tiến hành trong 10 huyện của Việt Nam với tỷ lệ mắc phù voi ở miền Bắc là 2,5%. Ở miền Trung của Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ấu trùnggiun chỉ bạch huyết được phát hiện tại 20 huyện là từ 0,39 – 13,3%. Tất cả đều nhiễm W.bancrofti.
Sau năm 2000, Việt Nam tiến hành điều tra tại 145 huyện của 50/52 tỉnh: Có 77 trường hợp dương tính /115.741 người được xét nghiệm trong 12 quận, huyện. Tỷ lệ có ấu trùng giun chỉ bạch huyết là rất thấp hoặc 0 (%). Trong 12 quận, huyện phát hiện ấu trùng giun chỉ bạch huyết chỉ có 6 huyện là tỷ lệ > 1 % , 6 huyện này được lựa chọn vào dự án loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam.

Bệnh giun chỉ tập trung nhiều ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên đã phát hiện thấy nhiều vùng miền trung Trung Bộ có bệnh giun chỉ bạch huyết. Bệnh thường khu trú thành từng điểm nhỏ, từng thôn, xã.

Ở vùng đồng bằng Bắc bộ đa số là B.malayi (80-95%), chủ yếu ở vùng trồng lúa nước như ở vùng châu thổ sông Hồng, 4 tỉnh trọng tâm là Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình.

Miền Nam là W.bancrofti, ở các tỉnh Nam trung bộ bệnh tìm thấy ở các tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa.

Tỉ lệ ở vùng đồng bằng mắc 1 -3 %, vùng trung du 1 – 2%, vùng miền núi hiếm gặp 0-1% nhưng phân bố rất không đều. Không có sự khác biệt giữa nam và nữ, bệnh nhiễm cao ở lứa tuổi 30-40.

3. Trung gian truyền bệnh[1],[3],[5]

Muỗi là trung gian truyền bệnh, một số loại muỗi có khả năng truyền bệnh giun chỉ bạch huyết như:

  • Culex (Cu.annulirostris, Cu.bitaeniorhynchus, Cu.quinquefasciatus  Cu.pipiens);
  • Anopheles (An.arabinensis, An.bancroftii, An.funestus, An.gambiae, An.koliensis, An.melas, An.merus, An.punctulatus An.wellcomei);
  • Aedes (Ae.aegypti, Ae.aquasalis, Ae.bellator, Ae.cooki, Ae.darlingi, Ae.kochi, Ae.polynesiensis, Ae.pseudoscutellaris, Ae.rotumae, Ae.scapularis  Ae.vigilax);
  • Mansonia (Ma.pseudotitilans  Ma.unifomis);
  • Coquillettidia (Co.juxtamansonia).

Muỗi truyền bệnh gặp ở Việt Nam chủ yếu là loài:

  • Culex quinquefasciatus, Culex vishnui, các loài muỗi này phổ biến ở thành thị, thị trấn và trung du. Muỗi cái đẻ trứng ở các vùng nước bẩn, nhiều chất hữu cơ. Muỗi đốt người vào ban đêm và phát triển mạnh vào tháng 2, 3, 4 trong năm;
  • Muỗi Ma.annulifera, Ma.uniformis chúng thường có ở ao bèo vì bọ gậy phải cắm ống thở vào rễ cây để hút oxy. Bèo thường gặp là bèo cái, bèo nhật bản, do đó muỗi này thường phổ biến vùng đồng bằng có nhiều ao bèo;
  • Anopheles hyrcanus gặp nhiều ở ven thành trị, trị trấn trong cả nước;
  • Ngoài ra các loài muỗi khác như: Anopheles barbumbrosus, Anopheles letifer cũng có khả năng truyền bệnh giun chỉ.

V. Cơ chế bệnh sinh[2],[7]

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là phù chân voi và tiểu dưỡng chấp, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và công việc của họ, nét thẩm mỹ bị phá hủy, ảnh hưởng rất lớn trong việc gia nhập và hòa hợp cộng đồng.

Khi ấu trùng và giun chỉ bạch huyết trưởng thành sống trong cơ thể người, trong quá trình lưu thông, vì môt lý do nào đó chúng chết sẽ làm tắc nghẽn ống bạch mạch, các hệ thống van bạch huyết bị phá hủy gây nên hiện tượng trào ngược dòng; mạch bạch huyết dưới chỗ tắc sẽ dãn ra và cộng thêm độc tố giun chỉ tiết ra khiến cho viêm mạch bạch huyết. Tất cả những tình trạng trên sẽ dẫn đến áp lực bạch mạch ở đoạn dưới chỗ bít tắc tăng lên, các tổ chức thẩm thấu và các ống dẫn bị rạn nứt tạo nên những đường rò vào bể thận, gây nên hiện tượng đái dưỡng chấp. Cùng một cơ chế như vậy, bạch huyết có thể tràn vào các tổ chức khác, gây ra nhiều hiện tượng bệnh lý rất đa dạng.

VI. Triệu chứng lâm sàng

Đa số người bệnh (90-95%)[2],[4] nhiễm giun chỉ bạch huyết (có ấu trùng trong máu) nhưng không có các biểu hiện lâm sàng trong nhiều năm hoặc cả đời; trường hợp có biểu hiện lâm sàng, bệnh thường biểu hiện như sau:

1. Thời kỳ ủ bệnh

Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất là 4 tuần, thường từ 8 đến 16 tháng[1]. Người bệnh không có triệu trứng gì hoặc mệt mỏi, sốt nhẹ, có hiện tượng nổi mẩn, bạch cầu ái toan tăng, xét nghiệm máu có ấu trùng. Thời kỳ này có khả năng truyền bệnh cao vì người bệnh có mầm bệnh trong người mà không rõ các triệu chứng bệnh để điều trị.

2. Thời kỳ cấp tính

Sốt: có thể sốt cao, xuất hiện đột ngột, kèm theo mệt mỏi và nhức đầu nhiều, thường tái phát từng đợt, mỗi đợt kéo dài 3 – 7 ngày[4];

Viêm bạch mạch và hạch bạch huyết: thường xuất hiện sau sốt vài ngày, xuất hiện viêm đỏ, đau dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Hạch bẹn có thể sưng to đau.

3. Thời kỳ mạn tính

Bệnh nhân gầy sút nhanh. Các đợt phát bệnh sẽ tự hết, nhưng xuất hiện dần hiện tượng phù voi;

Viêm hoặc phù bộ phạn sinh dục: viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn. Trường hợp viêm bạch mạch mạn tính ở bộ phận sinh dục, bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng bìu voi hoặc vú voi;

Phù voi chi dưới: là hậu quả của viêm mạn tính hạch và mạch bạch huyết chi dưới với đặc điểm phù cứng, da dày như chàm hóa. Tùy mức độ phù có thể từ bàn chân lên đến đùi;

Tiểu dưỡng chấp: biểu hiện lâm sàng bằng đi tiểu ra nuớc trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng; đôi khi lẫn máu đi kèm, trường hợp lượng dưỡng chấp trong nước tiểu nhiều, để lâu nước tiểu có thể đông lại như cục mỡ;

Đối với W.bancrofti thường gây phù voi ở cơ quan sinh dục và gây đái ra dưỡng chấp. Còn đối với B.malayi hay gây ra hiện tượng phù voi ở chi. Xét nghiệm máu có ấu trùng. Thời kỳ này có thể kéo dài vài năm.

VII. Triệu chứng cận lâm sàng[2],[7]

Trên cận lâm sàng để chẩn đoán xác định dựa trên xét nghiệm máu tìm ấu trùng giun chỉ. Nguyên tắc là lấy máu về ban đêm (từ 24 giờ đến 2 giờ sáng) làm tiêu bản giọt dầy nhuộm giemsa hoặc soi tươi tìm ấu trùng giun chỉ là phương pháp thông dụng nhất. Nhưng nếu mật độ ấu trùng trong máu ít thì sác xuất dương tính sẽ thấp. Trong trường hợp đó cần áp dụng các phương pháp tập trung ấu trùng như (Knote, Harris, phương pháp màng lọc Millipore). Một số phương pháp khác được áp dụng để phát hiện bệnh vào ban ngày, khắc phục nhược điểm, hạn chế do phải tiến hành kỹ thuật lấy máu vào buổi tối như: phương pháp Sulival (1970) và Partono (1972) về việc cho dùng thuốc Diethylcarbamazine (DEC) 100 mg, cũng có thể dùng phương pháp xét nghiệm nước tiểu, miễn dịch, siêu âm,…

VIII. Chẩn đoán

1. Chẩn đoán phân biệt[4]

1.1 Sốt do các nguyên nhân khác:

Do các bệnh nhiễm khuẩn: thường có đường vào, có ổ nhiễm khuẩn cư trú, công thức máu có bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.

Do virus: có đợt dịch sốt virus, không có tái phát.

Do sốt rét: bệnh nhân sống trong vùng sốt rét hoặc vừa trong vùng sốt rét về; xét nghiệm máu có thể thấy ký sinh trùng sốt rét.

1.2 Viêm bạch mạch: có thể do nhiễm khuẩn. Chẩn đoán phân biệt bằng xét nghiệm máu tìm ấu trùng giun chỉ.

1.3 Phù chân voi (phù cứng): phân biệt với phù do nấm, u vùng hố chậu, chấn thương… gây chèn ép bạch mạch. Các trường hợp này thường hiếm gặp. Chẩn đoán phân biệt bằng chọc dò hạch xét nghiệm nấm, hoặc khám phát hiện các khối u, chấn thương…

1.4 Đái dưỡng chấp do nguyên nhân ở thận (có thể do lao, chấn thương…). Cần khám kỹ loại trừ do lao hoặc tiền sử chấn thương vùng thận.

1.5 Tràn dịch màng tinh hoàn do ứ dưỡng chấp cần phân biệt với thoát vị bẹn. Trong thoát vị bẹn, quai ruột có thể đẩy lên được hoặc có triệu chứng tắc ruột.

2. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán dựa vào dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm. Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm tìm ấu trùng giun chỉ ở máu ngoại biên.

IX. Điều trị[4]

Thuốc Diethylcarbamazine (DEC): biệt dược: Banocide, Hetrazan, Notezine…, dạng viên nén 50mg, 100mg, 300mg.

DEC có tác dụng diệt ấu trùng giun chỉ, và phần nào diệt giun chỉ trưởng thành. Thời gian bán hủy của DEC trong cơ thể là 2 – 12 giờ, thuốc thải trừ chủ yếu qua thận.

Albendazole khi dùng đơn độc không diệt ấu trùng, nhưng có khả năng ức chế sinh sản của giun trưởng thành. Khi dùng phối hợp với DEC, albendazole làm tăng hiệu quả diệt ấu trùng ở cả 2 loài Wuchereria bancrofti và Brugia malayi.

1. Liều dùng

  • Đối với W.bancrofti: DEC 6 mg/kg/ngày, trong 12 ngày. Tổng liều là 72 mg/kg.
  • Đối với B.malayi: DEC 6 mg/kg/ngày, trong 6 ngày. Tổng liều là 36 mg/kg.

Điều trị với liều như trên cần được nhắc lại sau 1 tháng nếu xét nghiệm máu còn ấu trùng giun chỉ bạch huyết.

2. Cách sử dụng

2.1. Điều trị các trường hợp nhiễm giun chỉ có ấu trùng trong máu, nhưng không có biểu hiện lâm sàng: dùng thuốc đặc hiệu DEC với liều lượng như trên (mục 1).

2.2. Các trường hợp nhiễm giun chỉ có ấu trùng trong máu, có biểu hiện lâm sàng cấp tính như sốt, viêm hạch, viêm mạch bạch huyết…:

Trong đợt cấp tính, chỉ điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau (có thể dùng paracetamol), nghỉ ngơi, không dùng thuốc điều trị đặc hiệu DEC (do có thể gây viêm mạch, hạch bạch huyết).

Kháng sinh chống bội nhiễm: trường hợp cấp, có thể dùng kháng sinh toàn thân uống hoặc tiêm tùy theo mức độ bội nhiễm.

Sau khi qua đợt cấp, mới sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu DEC diệt giun chỉ với liều lượng như trên (mục 1).

2.3. Các trường hợp có biểu hiện phù voi (phù chi, bìu, vú…):

Chỉ dùng thuốc diệt giun chỉ nếu xét nghiệm máu có ấu trùng: uống thuốc đặc hiệu diệt giun chỉ DEC liều lượng như trên (mục 1).

Ở người bệnh phù voi, yếu tố bội nhiễm vi khuẩn có vai trò quan trọng. Đề phòng bội nhiễm và giảm nhẹ tổn thương ở bộ phận cơ thể bị phù bằng cách:

  • Rửa chi bị phù ngày hai lần bằng nước sạch và xà phòng tắm, thấm khô bằng khăn mềm sạch. Chú ý các nếp gấp, kẽ và móng chân.
  • Vận động, xoa bóp nhẹ nhàng chân tăng cường lưu thông hệ thống tuần hoàn.
  • Đêm nằm ngủ gác chân cao hoặc có thể dùng băng ép nhẹ kiểu quấn xà cạp để tránh ứ trệ tuần hoàn chi bị phù.

Trong các đợt bội nhiễm vi khuẩn, dùng kháng sinh tại chỗ (dạng mỡ hoặc bột). Trường hợp nặng, có thể dùng kháng sinh toàn thân (uống hoặc tiêm).

2.4. Điều trị các trường hợp có đái dưỡng chấp:

– Chỉ dùng thuốc diệt giun chỉ nếu xét nghiệm máu có ấu trùng: uống thuốc đặc hiệu diệt giun chỉ DEC liều lượng như trên (mục 1).

– Chế độ ăn kiêng mỡ và thức ăn giàu Protein.

– Nghỉ ngơi.

– Trường hợp người bệnh đái dưỡng chấp nhiều và kéo dài: cần chuyển điều trị chuyên khoa (ngoại khoa nếu có thể).

3. Phòng bệnh

Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về tác hại và phòng chống bệnh giun chỉ.

Vệ sinh môi trường: Xây dựng nhà ở cao ráo sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế muỗi vào nhà. Lấp bớt ao tù, vũng nước đọng, khơi thông cống rãnh để làm giảm sự sinh sản của muỗi, thả cá ở các ao bèo để diệt bọ gậy (cá rô phi, chép lai, bảy màu, săn sắt…).

Vệ sinh cá nhân: Mặc quần áo kín khi lao động ban đêm nhất là vùng có nghề thủ công như làm chiếu, nằm màn tránh muỗi đốt. Phát hiện và điều trị người có bệnh. Thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống bệnh giun chỉ bằng uống DEC 1 tháng 1 đợt 3 ngày, mỗi ngày 6mg/ kg điều trị cho mọi người lớn hơn 6 tuổi trong vài năm.

Tẩm màn, phun tồn lưu bằng hóa chất diệt côn trùng.

Bs Trần Văn Dũng

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Thị Xuân (2013), Ký sinh trùng y học, Nxb Y học, tr 224 – 229.
  2. Ấu trùng giun chỉ có thể xét nghiệm máu phát hiện vào ban ngày,http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1068&ID=4724, xem ngày 6/10/2014.
  3. Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Nxb Y học, tr 47 – 53.
  4. Bộ Y tế (2002), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giun chỉ bạch huyết tại các cơ sở khám chữa bệnh (có điều kiện xét nghiệm phát hiện ấu trùng và theo dõi điệu trị) (ban hành kèm theo Quyết định số 5047/2002/QĐ-BYT ngày 16/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
  5. Centers for Disease Control and Prevention. Lymphatic filariasis. [online] Available at: http://www.cdc.gov/dpdx/lymphaticFilariasis/index.html, [Accessed 6 October 2014].
  6. Bệnh giun chỉ bạch huyết và công cuộc loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam,http://nimpe.vn/TinChiTiet.aspx?id=526&cat=20, xem ngày 6/10/2014
  7. Cập nhật thông tin về Bệnh giun chỉ bạch huyết và thái độ xử trí triệu chứng đái dưỡng chấp (Updating of Lymphatic filariasis and treatment of chyluria symptom), http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoPreview.jsp?ID=1618, xem ngày 6/10/2014
Gọi ngay